Bí kíp Cải tạo Đất để Cây trồng luôn khỏe mạnh
Tháng sáu 5, 2024DEI – Đa dạng, Bình đẳng, và Bao trùm
Tháng sáu 18, 2024Khi các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) vẫn đang gặp nhiều thách thức trong tìm kiếm giải pháp mở rộng thị trường và tăng doanh số bán hàng, nhiều đơn vị phân phối đã chủ động tăng cường kết nối, mở ra cơ hội hợp tác nhằm đưa sản phẩm chất lượng cao từ SIB đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (tiếng Anh là Social Impact Business, viết tắt là SIB) là tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, hiện nay ước tính có khoảng hơn 26.000 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang hoạt động sôi nổi, là các đơn vị sản xuất, chế biến các sản phẩm đa dạng ở các lĩnh vực: đồ thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền, thực phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học, sản phẩm chăm sóc sức khỏe,…
Mặc dù hệ sinh thái SIB đang lớn mạnh, nhiều SIB vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực thực hiện cả hai mục tiêu tạo ra lợi nhuận đồng thời với những tác động tích cực cho xã hội. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, làm sao để thúc đẩy kinh doanh, mở rộng thị trường và tăng doanh số vẫn là bài toán khó mà các SIB chưa tìm được lời giải. Một số sản phẩm từ SIB dù được đầu tư cả về chất lượng lẫn mẫu mã nhưng lại thiếu kênh phân phối hiệu quả dẫn đến sản phẩm chưa được nhận diện rộng rãi trên thị trường cũng như đến tay người tiêu dùng.
Do đó, việc tăng cường kết nối SIB với các đơn vị hỗ trợ trung gian, đặc biệt là các nhà phân phối lớn chuyên nghiệp có ý nghĩa quan trọng giúp SIB có thêm cơ hội để tăng tốc kinh doanh.
Là đơn vị phân phối đã đưa thành công nông sản Việt vào các cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc, đại diện Công ty TNHH Joy VN cho biết lý do các SIB chưa phát triển được kênh bán hàng này chủ yếu do vướng mắc về hồ sơ pháp lý sản phẩm. Thêm vào đó, các hệ thống siêu thị của thương hiệu nước ngoài sẽ có yêu cầu chất lượng đầu vào cao hơn, đòi hỏi SIB không ngừng cải tiến, nâng cao quy trình sản xuất cũng như kiểm duyệt sản phẩm để đáp ứng các quy chuẩn quốc tế.
Từ góc độ cơ sở sản xuất, bên cạnh đồng tình với những tư vấn của các đơn vị phân phối và chuyên gia, các SIB cũng chia sẻ một mong muốn rất thiết thực là có một cuộc cạnh tranh công bằng hơn đối với các sản phẩm từ SIB. Đơn cử như việc đưa được sản phẩm lên kệ hàng của siêu thị, nhiều nơi đòi hỏi đẩy giá bán lên cao với phần chiết khấu lớn. Tuy nhiên, đây là thách thức đối với các đơn vị sản xuất thật, làm thật khi vô hình trung đẩy doanh nghiệp vào thế khó, còn người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn khi mua sản phẩm.
Giải đáp những khó khăn liên quan đến bao bì và đóng gói sản phẩm, các đơn vị phân phối nhận định nguyên nhân có thể xuất phát từ việc một số SIB chưa xác định đúng thị trường và khách hàng mục tiêu dẫn đến thiết kế bao bì chưa phù hợp.
“Không phải cứ sản phẩm có bao bì đẹp, bắt mắt là sẽ bán được hàng. Có những SIB cung cấp sản phẩm dành cho đối tượng khách du lịch nhưng trên bao bì thiếu thông tin bằng tiếng Anh. Như vậy khách hàng không hiểu về sản phẩm, rất dễ bỏ qua và lựa chọn những thương hiệu khác. Ngoài ra, với những mặt hàng có hạn sử dụng ngắn, nếu đóng gói khối lượng tịnh quá lớn cũng vô tình khiến người tiêu dùng e ngại khi mua. Đổi mới cách thức truyền thông – tiếp thị, lồng ghép giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ, sự kiện giao lưu văn hóa – ẩm thực cũng là hướng tiếp cận mới mà các SIB nên cân nhắc triển khai”, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại CHIBI Việt Nam chia sẻ.
Với ưu thế về việc tạo ra tác động tích cực đến xã hội và môi trường, các SIB cũng cần nâng cao khả năng kể câu chuyện tác động, đưa những nội dung này lên các phương tiện truyền thông, bao bì và các tài liệu giới thiệu sản phẩm. Đây cũng là yếu tố cạnh tranh cốt lõi của SIB so với các sản phẩm thông thường trên thị trường, giúp thu hút nhóm khách hàng hướng tới tiêu dùng bền vững, tiêu dùng có trách nhiệm.
Bên cạnh các sự kiện kết nối trực tiếp kể trên, hiện nay các SIB có thể đăng ký trưng bày hàng hóa, kết nối giao thương với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư và các bên liên quan tại Trung tâm hỗ trợ các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB HUB). SIB HUB được hình thành trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19”(ISEE-COVID) và vận hành bởi doanh nghiệp xã hội GreenU.
Hiện nay, SIB HUB đã và đang hỗ trợ trưng bày hơn 35 nhóm danh mục sản phẩm từ các SIB tại cơ sở 2 – 325 Phạm Văn Đồng, Hà Nội nhằm giới thiệu và lan toả tới người tiêu dùng quan tâm. Trong năm 2024, SIB HUB tiếp tục mở đơn đăng kí trưng bày sản phẩm để tạo điều kiện cho SIB thúc đẩy doanh số bán hàng. Ngoài ra, SIB HUB còn cung cấp dịch vụ cho thuê địa điểm miễn phí tại số 6 ngõ 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy và số 325 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Các SIB có thể đăng ký sử dụng với các nhu cầu đa dạng như tổ chức hoạt động hội thảo, đào tạo,…với sức chứa tối đa 70 người. SIB quan tâm đăng ký thuê địa điểm trưng tại đây hoặc đăng ký thành viên SIB HUB theo tại đây.
Về Dự án ISEE-COVID
Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19″ (ISEE-COVID), được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC), và được đồng thực hiện bởi UNDP và Cục phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án ISEE COVID có mục tiêu tổng thể: (i) nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,…; (ii) Nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; (iii) Tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thêm thông tin về dự án ISEE COVID, vui lòng tham khảo tại:
- Website: https://iseecovid.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/duanhotrodoanhnghieptaotacdongxahoitaiVN
- Email: iseecovid.vn@undp.org